Xuất hiện lần đầu vào những năm 2018, 2019, đến nay điện thoại màn hình gập đã chứng minh được sức hút cũng như hiệu quả trong những tác vụ hằng ngày của người dùng. Tuy nhiên, lượng người dùng điện thoại gập so với điện thoại truyền thống vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: 2024 liệu sẽ là năm bùng nổ của điện thoại gập? Hoặc, liệu điện thoại màn hình gập đã sẵn sàng để thay thế những chiếc điện thoại dạng thanh thông thường hay chưa?
Điện thoại gập đã có sự phát triển đáng kinh ngạc
Trong khi điện thoại dạng thanh truyền thống đang gặp vô vàn khó khăn do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại lẫn dịch COVID-19, điện thoại gập lại chứng kiến những bước tăng trưởng đáng kinh ngạc. Báo cáo mới nhất từ Samsung cho thấy doanh số của Galaxy Z Fold4 và Galaxy Z Flip4 đã tăng tới hai lần so với năm 2021. Còn theo dự báo từ Counterpoint Research, doanh số của điện thoại gập trong năm 2023 sẽ đạt 22,7 triệu thiết bị, tức tăng 52% so với năm 2022.
Thoạt nhìn, con số 22,7 triệu có vẻ ít, đặc biệt khi so sánh với hàng trăm triệu điện thoại dạng thanh được xuất xưởng mỗi năm. Tuy nhiên, cần nhớ rằng điện thoại gập mới chỉ xuất hiện và phát triển trong một quãng thời gian rất ngắn. Con số 52% là rất đáng kể khi mà doanh số smartphone dạng thanh đang trên đà giảm do dịch bệnh lẫn chiến tranh thương mại.
Vậy thì, liệu 2023 sẽ là năm bùng nổ của điện thoại gập?
Sự cạnh tranh tới từ thương hiệu Trung Quốc
Xiaomi, vivo, OPPO là ba thương hiệu Trung Quốc “sừng sỏ” nhất trong thị trường điện thoại gập. So với dòng Z Fold hay Z Flip của Samsung, những sản phẩm này hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng nhờ thông số cấu hình vượt trội hơn và đặc biệt là bản lề được làm phẳng, nếp gấp được làm mờ tối đa.
Trên thực tế, những thương hiệu này vẫn chưa có quá nhiều tiếng nói trong thị trường điện thoại gập. Một phần do bản thân chúng vẫn chỉ được kinh doanh và bán ra tại thị trường nội địa Trung Quốc, một phần khác do tâm lý người dùng, luôn ưu tiên thương hiệu lớn khi lựa chọn những sản phẩm đắt tiền.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một năm 2023 mở ra với smartphone gập tới từ Trung Quốc. Sau nhiều năm phát triển, các hãng Trung Quốc như Xiaomi, vivo hay OPPO đã phần nào hoàn thiện dải sản phẩm gập của mình, sẵn sàng trình làng toàn cầu và mở bán ra rộng rãi.
Và nhiều khả năng, hai mẫu máy chủ lực của OPPO, Find N2 và Find N2 Flip, sẽ được ra mắt trên toàn cầu và kinh doanh chính hãng tại Việt Nam. Điều này có thể thúc đẩy những HUAWEI, vivo hay Xiaomi mở rộng thị trường của mình, từ đó người dùng chúng ta được lợi khi có nhiều lựa chọn, phân khúc hơn.
Mức giá cho smartphone gập đã dễ tiếp cận hơn
Hãy lấy ví dụ với dòng Galaxy Z Fold tại Việt Nam. Khi mới ra mắt, dòng Fold được Samsung định giá lên đến 50 triệu đồng, một con số không tưởng đối với đại bộ phận người dùng chúng ta. Tuy nhiên, sau 3-4 thế hệ, mức giá cho Galaxy Z Fold4 đã tốt hơn rất nhiều, chỉ bằng 60 – 70% so với thế hệ đầu tiên. Thậm chí, tại một số đại lý bán lẻ, mức giá của Galaxy Z Flip4 chính hãng chỉ còn loanh quanh 15-16 triệu đồng.
Mức giá tốt đến vậy ít nhiều giúp điện thoại gập dễ tiếp cận với người dùng hơn. Thay vì mua một chiếc flagship thông thường giá cả hai ba chục triệu, nhiều người trong chúng ta sẽ cân nhắc một chiếc Z Fold hay Z Flip, với mức giá không chênh nhau quá nhiều mà cho trải nghiệm gần như lột xác hoàn toàn, hiện đại hơn, thú vị và “công nghệ” hơn.
Bằng chứng là doanh số dòng Galaxy Z Fold4 của Samsung đã tăng tới 60% so với cùng kỳ, bám sát doanh số của Galaxy S22 hay S22 Plus. Trên thực tế, Samsung vẫn gần như không có đối thủ trong thị trường này, nên không ngạc nhiên khi sức tăng trưởng 52% của dòng điện thoại gập cũng góp công không nhỏ tới từ thương hiệu này. Chính mức giá tốt cùng chính sách hậu mãi rõ ràng đã khiến Galaxy Z chiếm được lòng tin và sự chọn lựa của người tiêu dùng.
Sự ra mắt của Google Pixel Fold
Gần đây, có khá nhiều tin đồn rò rỉ về một chiếc điện thoại gập của Google, dự kiến ra mắt vào mùa thu năm 2023. Nguyên mẫu được cho là sử dụng thiết kế hai màn hình giống với Galaxy Z Fold4, camera selfie đục lỗ về phía góc trái màn hình và chạy vi xử lý Tensor do chính Google phát triển.
Tuy nhiên đó không phải là yếu tố chúng ta mong chờ nhất trên mẫu máy này, mà chính là phần mềm. Việc Google ra mắt smartphone gập đồng nghĩa với việc hãng đã làm việc và bắt tay với các bên thứ ba trong việc tối ưu, tuỳ chỉnh giao diện gập.
Trên thực tế, rào cản lớn nhất của những ông lớn như Samsung hay Xiaomi với điện thoại gập, đó chính là phần mềm. Khi Google chưa “bắt tay” làm hệ điều hành gập thì mỗi hãng phải tự tối ưu, tự hợp tác với các nhà phát triển để tối ưu riêng ứng dụng đó với riêng thiết bị đó. Kết quả, rất nhiều ứng dụng không được tối ưu, trong khi số khác lại hoạt động kém ổn định, không đạt được sự mượt mà, trơn tru tốt nhất.
Vậy nên, việc ra mắt Google Pixel Fold chắc chắn sẽ là bước ngoặt lớn đối với ngành smartphone gập. Các hãng giờ đây có thể tích hợp mã nguồn của Pixel Fold một cách trực tiếp, sau đó bổ sung hoặc tích hợp những tính năng độc quyền của riêng mình. Điện thoại gập khi này sẽ trở nên liền mạch hơn, tương thích ứng dụng tốt hơn cũng như hỗ trợ lâu dài hơn, người dùng cũng không phải băn khoăn khi lựa chọn những thương hiệu mới đến từ Xiaomi hay vivo nữa.
Tạm kết
Tổng kết lại, chúng ta có đầy đủ giả thiết để khẳng định rằng, 2024 sẽ là năm bùng nổ của điện thoại gập. Tất nhiên, người dùng chúng ta sẽ được lợi hơn cả, khi mà có thể tiếp cận, trải nghiệm những thành tựu, tinh hoa của ngành công nghiệp smartphone trong một mức giá dễ tiếp cận nhất.